Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

8 giải pháp kiềm chế lạm phát của ĐHĐB lần thứ XI



       Trong 8 giải pháp được Chính phủ đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 3/2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: không tăng giá bán than cho ngành điện, không tăng giá điện và giá xăng dầu…
Ngày 25/3 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. Chính phủ đã nghe báo cáo và tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tháng 3 cũng như quý 1 năm 2008, đồng thời xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhất của phiên họp Chính phủ lần này.
          Chính phủ đã dành cả ngày 25/3 nghe báo cáo và tập trung thảo luận các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế. Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, đồng đô la mất giá, giá cả tăng cao trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động trực tiếp tới nền kinh tế nước ta. Thêm vào đó, thiên tai, dịch bệnh trong nước gây thiệt hại nặng nền đến nền kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo ngay từ đầu năm và thực hiện quyết liệt các giải pháp nên mức tăng trưởng kinh tế quý 1 tiếp tục tăng trưởng khá (khoảng 7,4%). Lạm phát tháng 3 đã có dấu hiệu chững lại so với tháng trước. Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tích cực hỗ trợ người nghèo, người khó khăn trong bối cảnh giá cả tăng cao. Thủ tướng cũng nêu rõ 3 vấn đề lớn nổi lên trong quý 1, đó là tăng trưởng kinh tế khá nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và có dấu hiệu giảm, nhất là giảm giá trị sản xuất công nghiệp và xuất khẩu; lạm phát cao, nhập siêu lớn, thị trường chứng khoán sụt giảm đe dọa ổn định nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; xuất hiện tâm tư lo lắng về giá cả, lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống.
            Trên cơ sở dự báo nền kinh tế thế giới phục hồi sớm nhất cũng vào năm 2009; giá cả thế giới đứng ở mặt bằng cao. Còn trong nước, tuy tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng khả năng thực hiện mục tiêu đề ra từ đầu năm là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 từ 8,5- 9% là rất khó; khả năng kiểm soát lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng cũng không còn khả thi. Chính vì vậy, Chính phủ nhất trí điều chỉnh mục tiêu chống lạm phát và mức tăng trưởng trong năm 2008 thích hợp trong tình hình mới, gắn liền với đảm bảo an sinh xã hội khi giá cả tăng cao.
           Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ 8 giải pháp cần tập trung chỉ đạo và điều hành nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và duy trì tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
        Trước hết, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng theo nguyên tắc thị trường một cách chặt chẽ, chủ động và linh hoạt, bảo đảm mục tiêu chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm huy động các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế. 
          Thứ hai, tăng thu gắn liền với thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hạn chế bội chi ngân sách. Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị phải gương mẫu thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên; cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; thực hiện các biện pháp tiết kiệm xăng, dầu; rà soát và giảm các hạng mục, công trình chưa thật bức thiết, đồng thời kêu gọi nhân dân thực hành tiết kiệm tiêu dùng. 
          Thứ 3, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành dứt khoát phải chịu trách nhiệm đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất như xăng, dầu, gạo, thuốc, xi măng, sắt, thép, phân bón... gắn liền với kiểm soát chặt chẽ giá cả. Một lần nữa Thủ tướng khẳng định: không tăng giá bán than cho ngành điện, không tăng giá điện và giá xăng dầu. Nhà nước tiếp tục bù lỗ cho các mặt hàng này nhằm ổn định giá.
          Thứ 4, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, hiệp hội các ngành hàng tăng cường các biện pháp quản lý thị trường giá cả, tổ chức tốt thương mại trong nước, kêu gọi các doanh nghiệp có trách nhiệm với đất nước không đầu cơ trục lợi và tăng giá các mặt hàng. 
          Thứ 5, tìm mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu để giảm nhập siêu. Thủ tướng nhấn mạnh, không có xuất khẩu thì không có tăng trưởng nên tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh như thuỷ sản, dệt may và da giầy... Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ kiểm soát quyết liệt nhập siêu bằng cả biện pháp thị trường và hành chính vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Bộ Công thương nghiên cứu hạn chế nhập siêu các mặt hàng không thiết yếu như ô tô nguyên chiếc, phụ tùng xe máy... phấn đấu kiểm soát nhập siêu trong năm 2008 tương đương năm ngoái, tiến tới cân bằng cán cân thương mại. 
          Thứ 6, tập trung ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ. Nhanh chóng khắc phục khó khăn do hạn hán, rét đậm vừa qua gây ra để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng cường các biện pháp phòng chống, kiểm soát và khống chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án công trình mang lại sản phẩm lớn cho xã hội như điện, xi măng, thép... 
          Thứ 7, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành rà soát các chương trình, chính sách hỗ trợ người có thu nhập thấp, người nghèo để tiếp tục hỗ trợ tích cực các đối tượng này nhằm đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình giá cả tăng cao. 
          Thứ 8, Thủ tướng đề cập đến việc cung cấp thông tin, tuyên truyền phải tạo sự nhất trí, đồng thuận, cùng nhau chung sức hợp tác chặt chẽ vượt qua khó khăn, thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn toàn cầu.
         Theo chương trình phiên họp, trong hai ngày tới, Chính phủ sẽ nghe và cho ý kiến về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006, Đề án Chương trình mục tiêu Quốc gia về môi trường và đối phó với việc biến đổi khí hậu, dự thảo Nghị định về Chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa cùng nhiều dự án Luật quan trọng khác như dự án Luật Công nghệ cao, Luật Thi hành án Dân sự; các dự án Luật sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý, Luật Thi đua khen thưởng, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Quốc tịch, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam./.
St của Thành Chung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét